1. Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những vị trí khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng (khoảng 95%), ngoài ra thai ngoài tử cung còn có thể nằm ở buồng trứng, cổ tử cung hoặc ngoài ổ bụng. Thai ngoài tử cung vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đôi khi có thể gây đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
2. Có chăng xảy ra thai ngoài tử cung sau khi đã chuyển phôi vào buồng tử cung?
Có! Hiện tượng phôi làm tổ là sự “đối thoại” giữa phôi, niêm mạc tử cung và các yếu tố liên quan. Đôi khi sự “đối thoại” này có bất thường dẫn đến phôi không làm tổ đúng vị trí.
Từ những năm 1960 và 1970, sự hiểu biết về sinh lý trong quá trình thụ tinh tế bào trứng người đã phát triển đến mức có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì đến năm 1976 trường hợp mang thai ngoài tử cung đầu tiên sau IVF đã được báo cáo bởi chính những người tiên phong về IVF – Steptoe và Edwards.
Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung trong IVF được mô tả là thay đổi từ 0,8% đến 8,6%.
3. Tại sao phôi đã chuyển vào buồng tử cung rồi lại xảy ra tình trạng thai ngoài tử cung?
Đây là một trong những biến chứng “nổi tiếng” sau khi thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp chuyển phôi và được sự quan tâm rất nhiều của các chuyên gia tuy nhiên nguyên nhân rõ ràng vẫn chưa được xác định.
Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung sau chuyển phôi được biết đến như:
- Tiền sử có thai ngoài tử cung: nguy cơ xảy ra thai ngoài tử cung ở lần mang thai sau sẽ tăng cao gấp nhiều lần nếu trước đó đã từng xảy ra và IVF không loại bỏ hoàn toàn thai ngoài tử cung. – Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng, phần phụ, vùng chậu hoặc phẫu thuật lạc nội mạc tử cung. Thật bất ngờ là theo các nghiên cứu, thai ngoài tử cung vẫn có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng hai bên.
- Chuyển nhiều phôi: có thể làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung do thể tích lớn của môi trường chuyển, gây ra các cơn co tử cung bất thường.
Trong tình huống chuyển nhiều phôi, sự chồng lấp việc đã xác định thai trong tử cung thường dẫn đến chẩn đoán chậm trễ tình huống vừa có thai trong và vừa có thai ngoài tử cung. Trong một nghiên cứu các trường hợp thai ngoài tử cung, có 4 trường hợp chẩn đoán lạc chỗ chậm 2 tuần kể từ thời điểm nghi ngờ thai lạc chỗ và 5 trường hợp không xác định được vị trí ngoài tử cung cho đến sau tuần thứ 12 của thai kỳ. Thật không may, khi chẩn đoán chậm trễ có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Tuổi phôi chuyển: một số nghiên cứu cho rằng chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang (ngày 5, 6) ít nguy cơ hơn phôi ở giai đoạn phân chia (ngày 2, ngày 3). Tuy nhiên không phải tất cả đều chuyển phôi ngày 5, 6; cần có sự trao đổi với Bác sĩ điều trị trước chuyển phôi.
- Vị trí chuyển phôi so với đáy tử cung: có liên quan đến dòng chảy ngược của cả môi trường chuyển và phôi về phía ống dẫn trứng.
- Thai ngoài tử cung phổ biến hơn nhiều ở chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh: tăng co bóp tử cung khi nội tiết cao do kích thích buồng trứng.
4. Làm gì để hạn chế tình trạng thai ngoài tử cung khi điều trị IVF
- Cung cấp đầy đủ tiền sử thai ngoài và tiền sử các bệnh lý, phẫu thuật (nếu có) cho nhân viên y tế.
- Tuân thủ điều trị theo lời khuyên của Bác sĩ: số phôi chuyển, loại phôi chuyển, thời điểm chuyển phôi, nhịn tiểu thật tốt trước chuyển phôi để xác định vị trí chuyển phôi phù hợp, thuốc cần sử dụng,… Trao đổi với Bác sĩ nếu chưa hiểu hoặc gặp bất kỳ khó khăn nào.
- Tuân thủ lịch hẹn tái khám, siêu âm, xét nghiệm máu để tiên lượng sự phát triển của thai và phát hiện sớm các bất thường.
5. Làm gì tiếp theo nếu xảy ra tình trạng thai ngoài tử cung sau chuyển phôi?
- Tuân thủ điều trị, không được tự động bỏ về khi chưa có sự hướng dẫn hay đồng ý của các Bác sĩ, tình huống này thường xảy ra khi thai ngoài tử cung chưa có triệu chứng và bệnh nhân chưa hiểu hết sự nguy hiểm cấp cứu khi xảy ra các biến chứng.
Có thể điều trị bằng cách tiêm thuốc Methotrexate (MTX), phẫu thuật nội soi hay mổ mở, bảo tồn hoặc cắt vòi trứng chứa khối thai tùy trường hợp cụ thể – lưu ý nên có sự tương tác giữa Bác sĩ điều trị hiếm muộn và Bác sĩ Sản phụ khoa để đưa ra hướng tốt nhất.
- Tái khám chuyên khoa Hiếm muộn để được thảo luận hướng điều trị tiếp theo phù hợp tình trạng.
Kết luận
Thai ngoài tử cung sau chuyển phôi vẫn có thể xảy ra mặc dù tỷ lệ rất thấp. Nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của Bác sĩ chuyên khoa để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra thai ngoài tử cung và biến chứng nguy hiểm của thai ngoài tử cung.
Tài liệu tham khảo
- Ling-Yun Cheng, Pin-Yao Lin, Fu-Jen Huang, Fu-Tsai Kung, Hsin-Ju Chiang, Yu-Ju Lin, Kuo-Chung Lan, Ectopic pregnancy following in vitro fertilization with embryo transfer: A single-center experience during 15 years, Taiwanese Journal of Obstetrics and Gynecology, Volume 54, Issue 5, 2015, Pages 541-545.
- Tong Du, Hong Chen, Rong Fu, Qiuju Chen, Yun Wang, Ben W. Mol, Yanping Kuang, Qifeng Lyu, Comparison of ectopic pregnancy risk among transfers of embryos vitrified on day 3, day 5, and day 6, Fertility and Sterility, Volume 108, Issue 1, 2017, Pages 108-116.e1.
Yoder, N., Tal, R. & Martin, J.R. Abdominal ectopic pregnancy after in vitro fertilization and single embryo transfer: a case report and systematic review. Reprod Biol Endocrinol 14, 69 (2016). https://doi.org/10.1186/s12958-016-0201-x
IVF Phương Châu là đơn vị Hiếm muộn đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt cùng lúc hai tiêu chuẩn kiểm định uy tín trên thế giới về tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện (JCI) và tiêu chuẩn chất lượng riêng biệt cho Hỗ trợ sinh sản (RTAC).
- Hotline: 0939 123 242
- Địa chỉ: Lầu 1- BVQT Phương Châu, số 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ
- Link đăng ký khám: https://forms.gle/QXPmj6TVqD22eJU78
- Zalo: https://zalo.me/3151939064448063345
- Fanpage: https://www.facebook.com/ivfphuongchau
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@ivfphuongchau/
- Tổng đài BVQT Phương Châu (24/24): 1900 54 54 66